CÙNG TÌM HIỂU NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU CÁC DOANH NGHIỆP THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM TẠO ĐÀN SẾU KHỞI NGHIỆP ĐẤT SEN HỒNG - NĂM 2021 (PHẦN 2)
Tại Đồng Tháp, tinh thần khởi nghiệp đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở những năm gần đây, người ta thường hay nói về những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp. Chính vì thế, Chương trình Ươm tạo Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen Hồng được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh tiếp cận tối đa nguồn lực hỗ trợ tại địa phương, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp đi trước và tăng cường năng lực tư duy, tầm nhìn của các chủ doanh nghiệp. Hiện Chương trình đã bước vào giai đoạn huấn luyện, đào tạo, thực hành cùng những chuyên đề.
☘️ 15 Doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình tại Đồng Tháp đều thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, các sản phẩm của từng Doanh nghiệp lại đến từ nhiều đặc sản, nông sản khác nhau trên “Đất Sen Hồng”, có thể kể đến các sản phẩm từ sen (hạt sen tươi, rượu sen, trà tim sen..), xoài tươi, cà na, đậu phộng, cây ăn trái, v.v...
Mỗi câu chuyện đều đến từ mong muốn dùng chính những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh cống hiến và phát triển cho chính mảnh đất của mình từ các chủ doanh nghiệp tham gia chương trình, từ đó truyền thật nhiều cảm hứng đến với các cá nhân khác, đặc biệt là nhiều bạn trẻ có khát khao khởi nghiệp từ nông sản.
Xin mời quý Anh Chị vào từng hình trong album bên dưới để đọc những câu chuyện truyền cảm hứng từ các Doanh nghiệp/ Dự án tham gia Chương trình:
8. Cơ sở Nguyễn Hiếu

Sinh ra và lớn lên giữa vùng nguyên liệu sản xuất xoài xã Tịnh Thới, anh Nguyễn Văn Hiếu chứng kiến nhiều vụ xoài của gia đình bị thương lái ép giá, đầu ra bấp bênh. Cũng như các gia đình làm nông khác, anh Hiếu cũng có mong muốn góp phần nâng tầm nông sản Việt, năm 2011, sau khi tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), anh Hiếu nghĩ ngay đến việc trồng xoài theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị cho trái xoài, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy là anh Hiếu lên mạng tìm hiểu, đồng thời học hỏi quy trình sản xuất xoài hữu cơ của những người đi trước để áp dụng quy trình vào diện tích canh tác xoài của gia đình.
Anh Hiếu chia sẻ với báo Đồng Tháp Online rằng xoài trồng theo hướng hữu cơ sẽ giảm năng suất đến 35%, tuy nhiên, giá xoài được thu mua cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg, kéo theo lợi nhuận cũng hơn khoảng 5 triệu đồng/công so với quy trình canh tác xoài truyền thống.
Điều giúp cho sản quả xoài của anh Hiếu trở nên đặc biệt hơn trên thị trường cũng là nhờ vào quy trình sản xuất hữu cỡ này. Các quy trình canh tác sẽ được ghi chép lại đầy đủ và có chứng nhận sản xuất an toàn nên đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hiện nay xoài do anh canh tác không chỉ được bán rộng rãi ở tại Đồng Tháp mà còn được bán ở các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường.
Sau khi sản phẩm xoài trồng hữu cơ được đón nhận rộng rãi, anh Hiếu tiếp tục phát triển sản phẩm mới - xoài sấy dẻo. Với sản phẩm này, anh hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhờ vào sự tươi ngon và an toàn trong quy trình sản xuất và chế biến.
9. Công ty TNHH Thực phẩm Do Thiên

Anh Đặng Quý Ngọc là một người có nhiều kinh nghiệm trong việc thành lập công ty khởi nghiệp về chế biến nông sản, anh đã từng khởi nghiệp thành công với sản phẩm sản mãng cầu sấy khô và được bán lẻ trên 2000 hệ thống siêu thị tại Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,... Tuy nhiên, do sự chuyển biến phức tạp của COVID-19, anh Ngọc đã phải tạm thời gác lại việc xuất khẩu sản phẩm này và phát triển, khởi nghiệp với một sản phẩm mới vào năm 2020 - cà na 9 vị Do Thiên và mãng cầu sim sinh tố.
Điểm đặc biệt của sản phẩm cà na 9 vị này là khi người tiêu dùng ăn vào sẽ cảm nhận đủ 9 vị nguyên liệu được dùng để tạo nên sản phẩm (5 vị dược liệu tự nhiên của quả cà na, 4 vị nguyên liệu khác: gừng, khóm,...), còn với sản phẩm mãng cầu sim sinh tố là mãng cầu được cô đặc và đóng hộp, có thể dùng ngay sau khi mở. Ngoài ra, các sản phẩm cà na khác trên thị trường là chỉ đơn thuần được ướp với muối, đường, ớt và rất dễ lên men nên không thể bảo quản lâu hay vận chuyển đi xa. Nên với những đặc tính như có thể bảo quản được khoảng 6 tháng và gia vị ướp riêng biệt, sản phẩm cà na của Do Thiên hoàn toàn có thể có ưu thế hơn trên thị trường.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và khởi nghiệp cùng với 2 dòng sản phẩm vô cùng sáng tạo, độc đáo, anh Ngọc kỳ vọng trong 3 năm tới có thể song song nghiên cứu 2 thị trường miền Trung và Bắc, tiếp cận góp ý của khách hàng đồng thời mở rộng phân phối sản phẩm ở hầu hết 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, anh Ngọc cũng mong muốn có thể đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ đang làm việc tại cơ sở sản xuất để Do Thiên có thể phát triển quy mô sản xuất, phát triển bền vững và ổn định hơn trong tương lai.
10. Khô cá phi lê Ngọc Diệp

Với nền nông nghiệp của từng địa phương, nông sản là một điều tất yếu, tuy nhiên, ngành thuỷ sản cũng góp phần không nhỏ để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Tại Đồng Tháp, ngành thuỷ sản những năm gần đây đang gặp những khó khăn nhất định khi phải đối mặt với sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Nhưng những nhà nuôi bắt thuỷ sản cũng không đầu hàng với số phận, họ tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu có sẵn để cho ra những thành phẩm phù hợp với thị trường đồng thời “gỡ khó" cho ngành thuỷ sản địa phương.
Chị Phan Thị Thuý Lan là một trong những nhân tố tiêu biểu, chị cho biết “Ý tưởng sản xuất khô cá tra phi lê xuất phát vào năm 2016, khi gia đình tôi nuôi ca tra. Trong lúc giá cá bắt đầu có sự biến động giảm, thấy vậy tôi mới nghiên cứu các sản phẩm có mặt trên thị trường như khô cá tra phồng ơ An Giang, khô cá lóc, cá điêu hồng có vị không phù hợp với người. Do quá mặn hay quá ngọt, chất bảo quản, điều quan trọng là không có sản phẩm khô cá tra phi lê Ngọc Diệp và quyết định khởi nghiệp với bí quyết riêng và niềm đam mê khởi nghiệp của mình”.
Thời gian đầu còn khá nhiều bất cập và bỡ ngỡ vì nguồn vốn vừa eo hẹp mà cũng chưa có đủ kinh nghiệm, chị đã nhiều lần phải đối mặt với thất bại. Nhưng chị Lan không hề nản lòng mà vẫn tiếp tục tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, cải tiến công thức ướp gia vị, cách bảo quản. Sau một thời gian, sự cố gắng của chị cũng đã được đền đáp, khi chị Lan hoàn thiện sản phẩm khô cá tra của mình thì đã chinh phục được nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Từ sự đón nhận sản phẩm của thị trường, niềm đam mê với nghề tiếp tục được vun vén, lớn dần thêm, chị Lan mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư thêm tủ đông, máy hút chân không và thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất. Nhờ chất lượng khô đảm bảo nên khách hàng nhiều nơi đã chủ động tìm đến và đặt hàng. Đồng thời, chị còn tổ chức các lớp tập huấn cho người lao động, để bổ trợ các kiến thức về quy trình sản xuất, tiếp thị,... nhằm nâng cao tay nghề cho nhân lực của mình.
Chị Lan cũng chia sẻ thêm về lý do mang đến sự thành công của sản phẩm “Ngày ngay người tiêu dùng đang hướng đến các loại thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, đặc biệt là sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nên việc cơ sở lựa chọn phương thức sản xuất thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trên nền tảng nguồn nguyên liệu bản địa và sản phẩm đặc trưng của địa phương đã mang đến sự hài lòng với người tiêu dùng”. Sản phẩm khô cá tra phi lê Ngọc Diệp của cơ sở đang được khách hang là giới trung và thượng lưu ở các tỉnh, thành phố đón nhận và khả năng sản phẩm tiếp tục đi vào các hệ thống bán lẻ, tiện lợi ở các đô thị trong nước và chị mong muốn có thể phát triển, mở rộng thị trường sang nước ngoài để mang bản sắc địa phương ra thế giới.
11. Meron Farm

Tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa TPHCM ngành điện tử viễn thông nhưng lại bắt đầu sự nghiệp với mô hình trồng dược liệu sạch tại quê hương Đồng Tháp, Huỳnh Thanh Dư được biết đến là một nhà khởi nghiệp 9X với sự lựa chọn lối đi táo bạo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ.
Năm 2018, anh Dư quyết định đến Israel tu nghiệp bởi anh biết đây là quốc gia số 1 thế giới về nông nghiệp công nghệ cao. Đến Israel, Dư đăng ký thực tập tại một nông trại chuối áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt quy mô lớn. "Phải nói rằng khi đặt chân đến Israel, cuộc đời tôi như mở thêm một trang mới khi tận mắt chứng kiến những điều kỳ diệu tại đất nước này. Càng tìm hiểu về đất nước này, tôi càng thấy thú vị. Israel không chỉ là nơi phát triển công nghệ cao được cả thế giới nể phục mà còn là một quốc gia khởi nghiệp" - anh Dư từng chia sẻ với báo Người Lao Động.
Việc học tập và làm việc trực tiếp từ những phương pháp làm nông nghiệp của Israel giúp Dư nắm rõ cách vận hành một nông trại nông nghiệp. Từ Israel, Dư đã nghĩ đến việc sẽ có một trang trại với những công nghệ này trên đất nước Việt Nam bởi tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn nếu áp dụng công nghệ cao như của Israel. Từ những trăn trở ấy, Dư bắt đầu nhen nhóm những hành động cụ thể hơn và nông trại dược liệu Meron Farm trên mảnh đất có diện tích 6.000 m2 tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) ra đời. Meron Farm là nông trại trồng dược liệu và các loại nông sản sạch, được canh tác theo tiêu chí không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, tất cả đều là nông sản hữu cơ. Trang trại hiện có ao nuôi cá, hoa atisô, hoa đậu biếc và nhiều loại hoa màu khác. Hiện nay, mặt hàng chính mà Meron Farm cung cấp gồm những túi trà thảo mộc atiso đỏ, siro atiso, trà hoa đậu biếc rất tốt cho sức khỏe.
Anh Dư cũng từng chia sẻ rằng một trong những lý do anh lựa chọn hướng đi này chính là những giá trị mà mô hình này có thể tạo ra cho quê hương. Tại nông trại của mình, anh Dư không chỉ làm để xây dựng sự nghiệp riêng cho bản thân mà còn muốn tạo động lực cho những người trẻ tuổi. Do đó, anh tuyển tình nguyện viên, thu hút nhiều người trẻ tham gia với tư cách là thực tập sinh để vừa học hỏi mô hình của Dư, vừa có thêm thu nhập phục vụ cho việc học.
Tại nông trại của anh Dư, người trẻ vừa học được cách làm nông, vừa học được tiếng Anh giao tiếp để nâng cao trình độ và tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Các bạn đến đây trực tiếp trải nghiệm làm nông như trồng cây, làm cỏ, bón phân, tưới nước… Các bạn còn được trải nghiệm như cuộc sống ở nông thôn và gần gũi với thiên nhiên để cảm nhận tốt hơn về những sản phẩm được làm ra từ đất. Quá trình thực tập tại trang trại, Dư luôn tạo động lực cho các bạn trẻ, khơi gợi những ước mơ, hoài bão trong họ và khuyến khích họ làm từ những việc nhỏ nhất để nuôi dưỡng những giấc mơ lớn hơn.
"Hãy vượt qua giới hạn của mình dù bạn ở phố xá đô thị hay chân lấm tay bùn ở quê. Ở đâu cũng có thể phát triển kinh doanh, kiếm tiền được nếu bạn không ngừng học tập và học hỏi" - Dư nói với các thực tập sinh tại nông trại của mình.
Đối với tầm nhìn cho doanh nghiệp trong tương lai, trong 5 -10 năm tới, anh Dư có định hướng sẽ trở một nông trại trung tâm có liên kết các nông hộ lân cận trong vùng, tạo nên các sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm từ thảo dược, hướng tới vùng nguyên liệu canh tác hữu cơ, nhà xưởng mở rộng đủ chuẩn xuất khẩu. Với một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng tại Đồng Tháp, Dư tự tin hướng đi của mình sẽ góp phần mang lại những giá trị cao cho nông sản của quê hương.
12. Tổ hợp tác Sen Lê Bo

Anh Lê Văn Bo là một người con Đồng Tháp yêu sen, trồng sen và đau đáu với sen bằng cả tâm huyết. Khởi nghiệp nghề sen của mình bằng mười công đất mướn, trong 9 năm theo nghề, anh không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải rơi nước mắt vì sự thiếu ổn định của thị trường đầu ra. Để giải quyết vấn đề này, anh chọn cách rải vụ ra mà trồng quanh năm để đỡ bị dồn hàng, ứ hàng, đọng hàng. Thêm nữa, cứ mỗi vụ mùa, đất vừa trục xong, con giống vừa được đặt xuống, anh đã lập tức đôn đáo chạy đi tìm đầu ra.
Nhưng như vậy mãi cũng không ổn, bởi sen không để được lâu, chỉ vài ngày sen sẽ bị nám vỏ và không bán được. Từ đây, các sản phẩm được chế biến từ sen hữu cơ bắt đầu ra đời, trong đó đặc sắc nhất là thương hiệu Rượu sen Lê Bo.
Mẻ rượu đầu tiên, anh Bo mua về mấy chục cái lu kiệu, mỗi cái đựng được hàng trăm lít, tiêu tốn của anh 50 chục triệu đồng và 2 tấn hạt sen, chưa kể các loại nguyên liệu bổ sung khác như mật ong, men nấm Linh Chi,...Không lâu sau đó, anh Bo đã lo xong thủ tục kiểm nghiệm rượu và đưa sản phẩm ra thị trường.
Ngoài rượu sen, trọng phát triển những sản phẩm phục vụ sức khỏe cho cộng đồng như: trà tim sen, sen lụa, dưa sen,… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của các gia đình.
Ngoài việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm sen hữu cơ và cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường, anh Bo còn xây dựng doanh nghiệp này với mong muốn tạo thêm thu nhập cho bà con ở địa phương. Trong một lần chia sẻ với trang tin Đất Sen Hồng, anh Bo cũng không giấu giếm một ý tưởng khác vì lợi ích cộng đồng của mình: “Tôi đang nghĩ cách làm sao mình tạo ra một cái máy để ép lá sen khôn thành các túi đựng đồ thay cho các bao nilon đang dùng một lần rồi bỏ gây ô nhiễm môi trường như hiện nay.
13. Nông trại Ông 6 Lới

Nông trại Ông 6 Lới là dự án nông nghiệp canh tác cây ăn trái chủ lực với đặc sản như: Xoài Cát Hòa Lộc, Na Thái, Na Đài Loan,... với tổng diện tích hiện tại là 12 héc ta.
Ông 6 Lới là một trong những nông trại đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chấp nhận thử nghiệm thực tế canh tác hữu cơ vi sinh để đưa ra quy trình tối ưu nhất. Hiện nông trại đang có lứa Na Thái đầu tiên với mẫu test không tồn dư các chỉ tiêu độc hại. Xoài đạt chuẩn sạch cũng chuẩn bị làm vụ đầu.
Hiện dự án đang cung cấp sản phẩm cho thị trường toàn quốc từ vườn xoài 15-20 năm của gia đình với thương hiệu Xoài Cát Ông 6 Lới đã được đăng ký bảo hộ.
Về tầm nhìn trong tương lai, nông trại định hướng sẽ mở rộng quy mô sản xuất liên tục, đồng thời chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ vi sinh và cam kết nghiên cứu được quy trình hiệu quả nhất về chất lượng chuẩn sạch và kinh tế. Từ đó tạo dựng thương hiệu uy tín để cung cấp toàn quốc và xúc tiến đưa sản phẩm ra quốc tế.
Để đưa ra tầm nhìn như trên, dự án đã tự nhận định được những điểm mạnh của mình như: Nhân lực thời vụ tại địa phương dồi dào, lành nghề; định hướng xoay vòng vốn liên tục từ nguồn thu vườn; đất canh tác thuận lợi vận chuyển, đặc biệt ở vùng an toàn về ngập mặn, đảm bảo tính bền vững, không phụ thuộc hạn mặn…
Ngoài ra, nông trại cũng cho biết rằng sẽ sẵn sàng chia sẻ nhân rộng quy trình bài bản cho tất cả nhà vườn muốn chuyển đổi.
14. Hạt giống rau màu ưu thế lai F1

Việt Nam có một câu tục ngữ về nghề nông mà chắc hẳn nhiều người đã từng nghe qua, đó là “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Hạt giống luôn được ông cha ta coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của cây trồng. Và điều đó vẫn đúng cho tới ngày hôm nay.
Trong lĩnh vực trồng trọt rau màu tại Việt Nam, hạt giống bố mẹ gần như không xuất hiện trên thị trường. Do vậy, hạt giống lai F1 có ưu thế trội của lai bố mẹ chủ yếu có nguồn gốc nhập khẩu. Những hạt giống lai F1 nhập khẩu này phải qua rất nhiều bước trước khi đến được tay bà con nông dân, và lúc đó, giá tiền của chúng đã tăng khoảng 2-3 lần so với giá trị gốc. Nhận thấy được bất lợi này, anh Hồ Nhựt Trường ở tỉnh Đồng Tháp đã bắt tay vào nghiên cứu quy trình sản xuất hạt giống rau màu ưu thế lai F1 với mục đích sản xuất và bán ra rộng rãi cho nông dân với giá rẻ.
Tuy mới bắt đầu triển khai được 1 năm rưỡi và vẫn trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dự án hiện đã cho ra đời một số loại hạt giống lai F1 như: dưa gang, dưa hấu, dưa leo, ớt, khổ qua. Chia sẻ về kế hoạch này, anh Trường cho rằng lợi thế lớn nhất của dự án chính là đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn, am hiểu về lai tạo giống cũng như nhu cầu thị trường song song với nhu cầu của người nông dân.
Với những lợi ích rõ ràng và lợi thế đặc biệt như trên, chắc chắn dự án sẽ tạo ra những thay đổi lớn và tích cực cho những vụ mùa rau màu sau này của người nông dân, không chỉ trong tỉnh Đồng Tháp mà trên quy mô toàn quốc.
15. Cơ sở sản xuất Sen Ta

Được biết đến là một trong những quốc gia lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng các hoạt động canh tác và thu hoạch vẫn còn thủ công, thô sơ. Do đó, giá trị của nông sản Việt vẫn chưa được đánh giá cao và khai thác hợp lý. Thương cho các nhà làm nông hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, chị Nguyễn Anh Thy quyết định đầu tư sản xuất và thành lập SenTa. SenTa được vận hành với sứ mệnh “Vì người nông dân Việt Nam”, chị Thy sẽ thu mua lại với mong muốn góp phần tăng giá trị nông sản tại Đồng Tháp. Sen thu hoạch được sẽ được chị Thy thu mua lại để chế biến và sản xuất, điều này giúp các nông hộ có nguồn thu ổn định hơn mà cũng không còn phải hạ giá để bán hay phụ thuộc vào các chương trình giải cứu nông sản.
Thời gian đầu chị gặp rất nhiều khó khăn, do sen là sản phẩm đã quá quen thuộc trên thị trường nên mức độ cạnh tranh cao. Để tạo dựng vị trí của SenTa, chị Thy đã tìm ra sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Ngoài lợi thế về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang tính đặc trưng của Đồng Tháp, SenTa là công ty đầu tiên có sản phẩm từ tất cả các bộ phận của cây sen: hạt sen, củ sen, ngó sen, trà lá sen, trà tim sen.
Sau 3 năm phát triển, khi Senta đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc thông qua kênh siêu thị, chị tiếp tục đang dạng hoá sản phẩm từ một số nông sản khác như củ năng, khoai môn, khoai sọ. Tất cả các sản phẩm đều được làm sạch, gọt vỏ, hút chân không để sử dụng tươi. Với sự tiện dụng, giá thành phải chăng cộng thêm chất lượng được tuyệt đối đảm bảo, SenTa đã bán ra 2 tấn trà và 20 tấn nông sản trong năm 2020.
Có lợi thế về nguồn cung nhưng nguồn nhân lực lại hạn hẹp, chị Thy hy vọng trong thời gian tới sẽ tìm được nguồn lực phù hợp để phát triển các kênh phân phối sẵn có, mở rộng các kênh phân phối tiềm năng cũng như mở rộng quy mô sản xuất của mình để SenTa được biết đến rộng rãi hơn.
--------------------------------------
Về Chương trình Ươm tạo Đàn Sếu Khởi Nghiệp Đất Sen Hồng - Năm 2021
Chương trình Ươm tạo Đàn Sếu Khởi Nghiệp Đất Sen Hồng - Năm 2021 là chương trình ươm tạo hỗ trợ các Dự án/ Doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp dịch chuyển tư duy và tầm nhìn, mở rộng quy mô kinh doanh, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm, tăng cường khả năng huy động vốn cũng như tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp. Chương trình dự kiến diễn ra trong 12 tuần, được tổ chức bởi Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Đồng Tháp (DT.BSSC) phối hợp cùng Quỹ Khởi nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức.