SVF
Đăng ký
Danh mục

TỔNG KẾT KIẾN THỨC CHƯƠNG TRÌNH “BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ KINH DOANH SẢN PHẨM ĐỊA PHƯƠNG TRÊN “CHỢ" ONLINE"

Vào sáng 11.11 vừa qua, sự kiện “Bài học kinh nghiệm về kinh doanh sản phẩm địa phương trên “chợ" online" đã được diễn ra cùng sự tham gia cùng 4 chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử . Đây là sự kiện thuộc Chuỗi chương trình nâng cao khả năng ứng biến sau khủng hoảng cho Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Doanh nghiệp siêu nhỏ trong khuôn khổ dự án CO4GROWTH (Collaboration for Growth - Hợp tác để tăng trưởng) 
 
Chương trình diễn ra với thời lượng 90 phút gồm 2 phần:
 
𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 𝟏. Thảo luận bàn tròn: Sử dụng hiệu quả các nền tảng giao dịch, bán hàng trực tuyến để tăng trưởng doanh thu: nhu cầu thị trường và những năng lực cần có.
 
Mở đầu chương trình là phần giới thiệu ngắn gọn của các chuyên gia cùng những kinh nghiệm về chuyên môn, kiến thức trong các hoạt động kinh doanh trực tuyến. Theo chia sẻ của anh Wilson Liêu, Covid-19 đã tạo ra rất nhiều xu hướng tiêu dùng mới, buộc các doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và việc phân phối các sản phẩm của mình trên các "chợ" online là một xu thế tất yếu, nhất là sau đợt bùng phát dịch thứ hai vào tháng 7 tại Việt Nam. Cùng nhận định với chuyên gia Wilson Lieu, anh Võ Huân đưa lời khuyên dành cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ rằng chuyển dịch online là một điều bắt buộc với các doanh nghiệp, kể cả trước đại dịch Covid-19 nếu muốn phát triển và mở rộng doanh nghiệp. Anh nhấn mạnh rằng “các doanh nghiệp nên có bước tìm hiểu và tăng tốc hơn trong việc “go online", vì đây sẽ là xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”.
 
Với vai trò là nhà sáng lập FoodMap - nền tảng kết nối nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng, chuyên gia Anh Tùng chia sẻ rằng mặt hàng tươi sống chính là nhóm sản phẩm mới, nhiều tiềm năng trên các “chợ" online hiện nay. Anh nhận định rằng đây là nhóm ngành có xu thế phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam khi mà các sàn online trên thị trường cũng bắt đầu chuyển đổi sang mảng phân phối này. Ngoài ra, anh còn lấy ví dụ chính FoodMap rằng số lượng người dùng là hộ kinh doanh nông sản phân phối qua nền tảng này đã tăng vọt từ 50 lên 300 doanh nghiệp chỉ sau 6 tháng.
 
Là chủ sở hữu của rất nhiều thương hiệu trên thị trường, anh Trần Lâm chia sẻ một số con số thú vị: so với những nền tảng khác, số lượng đơn mua hàng trên các sàn thương mại điện tử chiếm đa số với khoảng 62% diễn ra trên các sàn, trung bình có một triệu lượt truy cập vào các sàn để mua sắm.
 
Trả lời cho câu hỏi đâu là rào cản đối với doanh nghiệp khi lần đầu tiếp cận các sàn thương mại điện tử, anh Võ Huân cho rằng đó là đảm bảo được chất lượng đầu ra của sản phẩm, vì người tiêu dùng ngày càng có nhiều yêu cầu khó hơn về chất lượng sản phẩm. Kế đến là những hồ sơ về thủ tục pháp lý, đăng ký thương hiệu, đặc biệt là với các ngành hàng về thực phẩm, mỹ phẩm thì yếu tố này phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Một rào cản khác đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi lên sàn online đó là chưa có sự chăm chút và kinh nghiệm vào việc đầu tư mặt hình ảnh cho sản phẩm, theo ý kiến của cả hai chuyên gia - anh Võ Huân và anh Anh Tùng.
Nói về giải pháp để vượt qua những rào cản trên, dưới góc độ của chuyên gia Wilson Lieu, có 2 câu hỏi doanh nghiệp bắt buộc phải trả lời khi lần đầu tiếp cận các “chợ" online, đó là: Chuyển đổi số bằng cách nào? Và bắt đầu từ đâu?
 
Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải nhìn rõ bức tranh sinh thái về chuyển đổi số. Thứ hai là các yếu tố nội tại của doanh nghiệp: doanh nghiệp đang vướng mắc ở khâu nào, có thể là ở khâu bán hàng, hoặc về chăm sóc khách hàng.. Theo chuyên gia, có 4 giai đoạn trưởng thành online (về ngân sách, sản phẩm, marketing, kênh bán hàng,..) mà doanh nghiệp cần phải định vị mình đang ở đâu, đó là các giai đoạn: chưa quan tâm, hiện diện, tăng trưởng và trưởng thành. Hiểu được bản thân doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào thì có thể tìm được hướng đi phù hợp để vượt qua được những rào cản khi tiếp cận các sàn online.
 
Nói về những kinh nghiệm mà các chuyên gia có được để duy trì được lượng khách hàng ổn định, chuyên gia Anh Tùng chia sẻ rằng “doanh nghiệp phải đáp ứng được ba yếu tố: ổn định về chất lượng sản phẩm, khâu chăm sóc khách hàng tốt và nhanh chóng trong việc vận chuyển sản phẩm”. Chuyên gia Trần Lâm bổ sung thêm một số kinh nghiệm trong việc điều hành nhiều nhãn hàng, ngành hàng khác nhau rằng doanh nghiệp cần phải đầu tư về cả bên ngoài (thương hiệu, hình ảnh) và bên trong (chất lượng, giá cả, hiểu về lợi thế sản phẩm).
 
Buổi Thảo luận bàn tròn kết thúc bằng việc giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp tham dự. Các chuyên gia đã có những giây phút trải lòng, chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm chân thật nhất mà mình đã trải qua đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong suốt 60 phút của buổi thảo luận, mang lại giá trị thiết thực về những khó khăn của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh online, cùng những giải pháp phù hợp và kinh nghiệm bổ ích.
 
𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 𝟐. Kết nối chuyên gia: Cố vấn trực tiếp từ các chuyên gia: Giải quyết khó khăn và Tìm hướng đi phù hợp với từng doanh nghiệp
 
Là phần đặc biệt nhất của chương trình, BTC đã tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp và chuyên gia. Trong từng phòng zoom riêng, mỗi doanh nghiệp có thời gian để chia sẻ những thách thức và khó khăn của doanh nghiệp trong việc phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, sau đó chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên cùng hướng đi phù hợp cho từng mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp cụ thể. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ từng bước tháo gỡ những rào cản trên chặng đường hoạt động trên các “chợ" online, tạo bước đà phát triển trong tương lai.
 
📌 Kết thúc chương trình, BTC nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp tham gia chương trình thông qua việc hoàn thành những biểu mẫu đánh giá dành cho chương trình cũng như bày tỏ mong muốn được kết nối với chuyên gia để trao đổi sâu hơn sau chương trình.
 
Nếu bỏ lỡ cơ hội tham gia vào chương trình vừa qua, các doanh nghiệp chúng ta hãy mau chóng xem lại livestream tại trang fanpage CO4GROWTH, NISD - National Innovation System Development và Startup Vietnam Foundation ngay để cùng học hỏi thêm từ những bài học và kiến thức mà chuyên gia chia sẻ trong buổi thảo luận!
 
📌 Xem lại 𝐯𝐢𝐝𝐞𝐨 𝐥𝐢𝐯𝐞𝐬𝐭𝐫𝐞𝐚𝐦 tại: https://fb.watch/1J1qxqjoT3/
🔥 Link đăng ký nhận thông tin về những chương trình, sự kiện sẽ được diễn ra trong thời gian sắp tới của CO4GROWTH: https://bit.ly/thongtinsukien_co4growth
👍🏻 Đừng quên ấn “thích" fanpage CO4GROWTH để luôn được cập nhật những thông tin bổ ích cũng như những sự kiện hấp dẫn trong thời gian tới!
-----------
CO4GROWTH là dự án hướng đến đối tượng là những Doanh nghiệp Khởi nghiệp, Doanh nghiệp Đổi mới Sáng tạo, Doanh nghiệp Siêu nhỏ, Vừa và Nhỏ với mong muốn tạo ra một nền tảng chia sẻ kiến thức, thông tin, tập hợp nguồn lực khu vực công và tư, để nâng cao năng lực ứng biến linh hoạt, phát triển kinh doanh bền vững trước những biến đổi của thị trường và kinh tế xã hội như COVID-19, biến đổi khí hậu, công nghệ trí thông minh nhân tạo, tự động hoá. Dự án tập trung cung cấp giải pháp tiềm năng cho những vấn đề doanh nhân doanh nghiệp đang gặp như thiếu hụt nguồn lực tài chính, cải tiến sản phẩm, tối ưu vận hành, quảng cáo, bán hàng và nhiều thách thức khác cản trở khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
-----------
Về Startup Vietnam Foundation http://svf.org.vn/
Partners & Media Contact Startup Vietnam Foundation (SVF) hello@svf.org.vn
Share Đăng Ký Tham Dự
Quay về